Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

Thung lũng vàng - lịch sử hình thành

Written By cammera on Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013 | 23:56

Cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 14km về hướng Tây Bắc, nằm bên cạnh hồ Đan Kia - suối Vàng, khu du lịch Thung Lũng Vàng là một trong những địa điểm du lịch mới của Đà Lạt.
Hồ Đan Kia - suối Vàng nằm dưới chân núi LangBiang. Đây là hồ nhân tạo cung cấp nước cho thành phố Đà Lạt. Trong quần thể rừng thông bạt ngàn và mênh mang đồi cỏ có diện tích 174ha, Thung Lũng Vàng là khu du lịch sinh thái được sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên.



Năm 1999, Kỹ sư Trần Đình Lãnh - Giám đốc Công ty cấp nước Lâm Đồng có ý định tạo một vườn cảnh rộng 3ha để công nhân Nhà máy nước Suối Vàng có nơi thư giãn sau những giờ lao động mệt nhọc. Không ngờ, nhiều người khen vườn cảnh đẹp. Sau đó, Nhà máy nước Suối Vàng được giao quản lý bảo vệ hơn 174ha rừng thông tại tiểu khu 12 (khu vực xung quanh Nhà máy nước Suối Vàng) nên ông đề nghị với Công đoàn Nhà máy nước Suối Vàng xây dựng Khu du lịch sinh thái. Tập thể nhất trí, mỗi năm đầu tư dần dần. Đồ án quy hoạch chi tiết do Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thành và Kiến trúc sư Lê Văn Khải của Công ty Xây dựng Kiến trúc miền Nam chủ trì thiết kế.
Ngày mồng 1 Tết Ất Dậu (2005), Thung lũng Vàng chính thức khai trương. Trước đây, đường đến Nhà máy nước Suối Vàng, Nhà máy thuỷ điện Ankroet và hồ Dankia Suối Vàng rất khó đi, nhưng từ năm 2003, đường Trần Văn Côi, Ankroet được tráng nhựa tạo điều kiện thuận tiện cho du khách đến tham quan Thung lũng Vàng.



Công trình kiến trúc kỳ lạ đầu tiên là chiếc cổng đồ sộ làm bằng sắt tận dụng của đường ống nước. Thung lũng Vàng gồm nhiều cụm đảo bonsai với những cây cảnh quý hiếm, tạo dáng điêu luyện và kỳ hoa dị thảo không thấy trong các vườn hoa khác ở Đà Lạt. Ý tưởng sắp đặt trong Thung lũng Vàng rất độc đáo:
Thác nước nhân tạo có dòng nước chảy từ vườn đá Tứ Linh (long, lân, quy, phụng). Dưới chân thác là một guồng nước gợi nhớ đến những guồng nước trên sông Trà Khúc ở miền Trung hay núi rừng Việt Bắc, Tây Bắc. Xa hơn là chiếc cầu tre lắc lẻo - hình ảnh quen thuộc của đồng quê Nam Bộ.

Một bức tượng lớn mang hình dáng một vị thần đang gieo hạt.
Khu vui chơi giải trí mang tên Thái Cực, hồ nước mang tên Lưỡng Nghi, những viên đá lót trên lối đi được xếp theo quẻ “Thiên hoả đồng nhân” trong Kinh Dịch.
Một phiến đá hình bảo kiếm có khắc dòng chữ “Nẻo về của ý” kiểu thư pháp nhắc nhở đến ý tưởng đầu tiên hình thành Thung lũng Vàng.


Thông và đồi cỏ làm nền cho hoa, đá, hồ nước, thác và nhiều cảnh quan đẹp. Trên lưng chừng đồi thông, có một dòng suối nhân tạo dài khoảng một cây số, những lớp đá được sắp đặt có chủ ý nhưng cứ như vô tình giống dòng suối tự nhiên. Nước từ suối này đổ xuống và chia thành hai dòng chảy có tên Tĩnh và Động. Loanh quanh qua con đường đất, hai dòng suối nhập lại một rồi đổ về làm quay bánh xe nước. Dòng suối và bánh xe nước này khiến du khách có thể liên tưởng đến hình ảnh guồng nước ở các sông miền Trung hay núi rừng miền Bắc. Xa xa, lại thấp thoáng những chiếc cầu tre lắt lẻo, những ụ rơm, giếng nước, bánh xe gỗ, nhà chòi... gợi nên hình ảnh đồng quê Nam bộ.
Chiếm diện tích lớn nhất Thung Lũng Vàng là hoa viên cây cảnh với nhiều giống cây quý được trồng tỉa, chăm sóc rất công phu. Tại đây có thể thấy được thông 5 lá Việt Nam, thông 5 lá Trung Quốc, bạch tùng, thanh tùng, tùng búp, tùng xà ngũ phúc, thông đỏ, vườn hoa đỗ quyên..., một số giống cây từ nước ngoài du nhập vào như voong ke, hồng sa mạc, phong lữ thảo, cây lá phong...



Ngoài ra, Thung Lũng Vàng không thể thiếu nhiều loại hoa đặc trưng của Đà Lạt như cẩm tú cầu, thạch thảo, mimosa... được trồng theo từng cụm, từng vạt, du khách có thể tha hồ chụp hình. Cuối vườn bonsai có cây bồ đề gần 300 năm tuổi. Cỏ cây chen lá đá chen hoa, những phiến đá đủ hình thù tạo cho vườn hoa vẻ đẹp rất riêng, không tìm thấy ở các khu du lịch khác.
Thơ mộng và có vẻ huyền ảo là những khu vui chơi với những cái tên gợi sự khám phá như vườn đá Tứ Linh, có bức tượng lớn mang hình dáng vị thần đang gieo hạt, khu vui chơi Thái cực, Đại viên cảnh, hồ Lưỡng nghi, cùng những viên đá lót lối đi lên đồi được xếp theo hình quẻ “Thiên hỏa đồng nhân” trong Kinh Dịch, mỏ neo khổng lồ...
Nơi tận cùng của Thung Lũng Vàng là hồ Đan Kia - suối Vàng. Đứng trên triền dốc nhìn xuống một vùng nước tĩnh lặng, mênh mông bát ngát, hàng thông rũ bóng xuống mặt hồ đẹp như một bức tranh thủy mặc. Bên kia hồ cũng bạt ngàn rừng thông, gợi cảm giác thèm được phiêu lưu. Có thể nằm dài trên đồi cỏ nghe tiếng thông reo, xa xa lẫn trong tiếng nhạc thông vẳng lại tiếng cười nói của từng đoàn khách đang cắm trại. Khí hậu mát mẻ, trong lành tưởng như những bận rộn, lo toan đời thường không tồn tại; chỉ có ta với đất, trời, cỏ cây, hoa lá..


Dạo chơi hết khuôn viên Thung Lũng Vàng, bạn có thể thoải mái chụp hình từ vạt cỏ xanh dưới thung lũng, đến đồi hoa, rừng thông... Rồi cứ men theo hoa mà đi cho đến khi bạn thấy thấp thoáng hai trụ cổng bằng đá. Cạnh đó có một phiến đá hình bảo kiếm, khắc dòng chữ kiểu thư pháp “Nẻo về của ý” như một điểm nhấn cho cổng chào khác của Thung Lũng Vàng.
Vào mùa hoa đào nở, khách có thể nhìn ngắm những bông hoa anh đào duyên dáng in bóng xuống mặt hồ. Những đóa hoa mãn khai nở thắm một góc trời, vương vãi trên lối đi... Những cây anh đào Nhật Bản làm nên nét đẹp dịu dàng mềm mại cho Thung Lũng Vàng.

Đăng nhận xét